'Hạ trắng' ra đời từ giấc mơ hoa trắng và mối tình già

Những nhạc phẩm "Ướt mi", "Hạ trắng" và "Cát bụi" đã được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về cảm xúc, sự ra đời với những dấu ấn riêng biệt.

'Hạ trắng' ra đời từ giấc mơ hoa trắng và mối tình già

nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ướt mi, Hạ trắng, Cát bụi
Chi tiết bài viết
3399 Lượt xem
tac-pham-de-doi-cua-trinh-cong-son
Một số tác phẩm để đời của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn

Trong đời sáng tác của mình, Trịnh Công Sơn tự nhận yêu âm nhạc và hội họa. Riêng với âm nhạc, nhạc Trịnh của ông nay vẫn được đông đảo công chúng yêu thích. Nhận xét về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát dí dỏm: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra".

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ ấy, có một số nhạc phẩm được chính chủ nhân tự sự về việc ra đời, trong đó có Ướt mi, Hạ trắng và Cát bụi mà theo ông "mỗi bài hát gần như đều bắt nguồn từ một duyên cơ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu".

Ướt mi là nhạc phẩm đầu tiên nhưng Trịnh Công Sơn... không thích lắm

"Ngoài hiên mưa rơi rơi lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi...". Những ca từ ấy là lời mở của nhạc phẩm Ướt mi, ca khúc đầu tiên trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhớ về "bài hát đầu tiên" này, Trịnh Công Sơn trong bài viết "Bài hát đầu tiên bài hát cuối cùng" đăng trên báo Lao động Xuân Tân Mùi 1991 đã hồi tưởng.

Theo đó, Ướt mi được ấn hành lần đầu tiên bởi NXB An Phú ở Sài Gòn năm 1959. Xác nhận đó là nhạc phẩm đầu tiên trong đời âm nhạc của mình, nhưng Trịnh Công Sơn cũng cho hay "rất nhiều bài hát đã được viết trước bài "Ướt mi" nhưng riêng với "Ướt mi" thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi".

Là nhạc phẩm đầu tiên, Ướt mi được cả người Nhật ưa thích khi dàn nhạc giao hưởng của Nhật thu âm bài hát này.

 Ướt mi cũng là bài hát giúp ca sĩ Thanh Thúy nổi tiếng khi đi hát phòng trà. Trịnh Công Sơn cho hay "hình như Nguyễn Ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát". Không chỉ thế, giọng hát liêu trai của Thanh Thúy còn được GS Nguyễn Văn Trung (tác giả của những Ca tụng thân xác, Ngôn ngữ và thân xác, Lược khảo văn học...) đem ra mổ xẻ, phân tích.

Dù là nhạc phẩm đầu tiên, được nhiều người ưa thích, nhưng bản thân cha đẻ của Ướt mi lại... không mặn mà với đứa con tinh thần của mình khi Trịnh Công Sơn chốt lại một câu rằng "Riêng tôi không thích lắm".

tac-pham-ha-trang-cua-trinh-cong-son
Nhạc phẩm Hạ trắng của Trịnh Công Sơn

Hạ trắng ra đời từ giấc mơ... mùa hạ

Hạ trắng đến nay đã trở nên quen thuộc với khán thính giả yêu nhạc Trịnh. Ca khúc ấy đã ra đời như thế nào?

"Gọi nắng. Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay. Cho tay em dài gầy thêm nắng mai. Bước chân em về nào anh có hay. Gọi em cho nắng chết trên sông dài", cơn mê được nói tới trong Hạ trắng, là cơn mơ có thật của Trịnh Công Sơn, được ông hồi tưởng trong bài "Giấc mơ Hạ trắng" trên Tạp chí Thế giới âm nhạc, số 5/1997.

Ấy là dạo mùa hạ ở Huế, nhạc sĩ họ Trịnh bị sốt nặng, nằm mê man trên giường và không biết trời trăng mây gió gì cả. Trong cơn mê sảng ấy, Trịnh Công Sơn vẫn cảm nhận được "có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng".

Khi tỉnh dậy, bên cạnh giường quả thật có một bó hoa dạ lý hương trắng thật lớn. Và Trịnh biết chủ nhân của bó hoa ấy là nàng thơ nào. Bởi trong vùng dạo đó, chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương.

Hết bệnh thì Trịnh Công Sơn biết tin bố của người bạn bị bệnh đang hấp hối. Bệnh ấy, lại là bệnh nhớ thương và buồn rầu. Số là hai ông bà đã cao tuổi, thường nằm chung trên sập gụ. Mỗi sáng là cụ bà dậy sớm xuống bếp nấu nước pha trà cho cụ ông.

Sáng nọ, bà cụ dậy nhưng bị trúng gió và qua đời. Con cái sợ cụ ông biết nên chôn cất và giấu cụ ông, nói dối là sang nhà con cái chơi. Vài ngày sau không thấy vợ, cụ ông trầm ngâm hỏi các con, có phải mẹ đã mất? Các con khóc òa lên nói thật. Từ đó, cụ ông nằm trên sập, cơm không ăn, trà không uống cho đến khi kiệt sức rồi đi theo vợ.

"Câu chuyện ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài "Hạ trắng", tác giả Hạ trắng đã kết lại tâm sự về nhạc phẩm như thế.

hinh-anh-nghe-sy-trinh-cong-son-va-khanh-ly
Khánh Ly là người thể hiện rất thành công nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu.

"Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi..."

Sự ra đời của nhạc phẩm Cát bụi, được dẫn lối từ rạp chiếu phim.

Nói về đứa con tinh thần với những ca từ đậm chất triết lý "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy? Ôi, cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi? Ôi, cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi?...", Trịnh Công Sơn còn nhớ như in với bài viết "Cát bụi" trên Tạp chí Thế giới âm nhạc số 1/1998.

Một buổi chiều nọ, Trịnh Công Sơn đến rạp Casino xem phim Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, tập 6, một bộ phim nhiều tập hấp dẫn. Tập 6 ấy, nhạc sĩ nhớ nhất phân đoạn dưới đây.

Hiệp sĩ mù giải cứu một nàng Kiều. Sau khi cứu được nàng, hiệp sĩ mù quay về phía có tiếng nói vái tay chào hỏi. Ra là bên vệ đường, ở dưới gốc cây lại là một người mù khác với cây đàn.

Nghệ sĩ mù đã chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. "Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người" nhưng nửa chừng đứt dây vì có kẻ "bất thiện" nghe lén.

Đoạn phim ấy đã làm cho Trịnh Công Sơn thấy buồn. Buổi chiều, nhạc sĩ đọc cuốn Zorba le Grec. Khi đọc đến đoạn Zorba than thở vì tiếng hót chim đa đa "làm tan nát trái tim", Trịnh Công Sơn gấp sách lại khi thấy sự trùng hợp, và nỗi buồn dậy lên. Nhạc sĩ hồi tưởng:

"Tôi lại ra đường tìm đến một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà lấy giấy bút ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích".

Cát bụi đã ra đời như thế!

===> https://hangnhatladishop.com/san-pham/nuoc-nghe-giai-ruou-ukon-no-chikara-house-loc-6-chai-1118.html

Bài viết khác
Về đầu trang
Zalo
Hotline tư vấn: 0989398633